Lượt xem: 499

Cán bộ, hội viên Hội Nông dân Sóc Trăng tích cực làm theo gương Bác

Thời gian qua, cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh luôn tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và xem đây là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Hội, thông qua các phong trào, hành động thiết thực.

    Cụ thể, trong năm qua, Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch, hướng dẫn Hội Nông dân cơ sở triển khai đến 100% cán bộ, hội viên nông dân học tập chuyên đề “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với nội dung sinh hoạt chi hội, tổ hội, các câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã… Qua học học tập và phát động đăng ký làm theo trong cán bộ, hội viên nông dân đã có sự chuyển biết tích cực cả trong nhận thức và hành động, có thể thấy rõ nét nhất là ở tinh thần đoàn kết, cần kiệm, năng động, sáng tạo trong sản xuất và đời sống, thể hiện vai trò trung tâm nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, góp phần đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở địa phương.


Mô hình nuôi bò sữa của ông Phùng Rết ở xã Viên An, huyện Trần Đề. Ảnh Đoan Trang

    Đồng chí Phạm Chí Nguyện - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng đã đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua các phong trào thi đua lớn của Hội bằng những việc làm cụ thể, thiết thực gắn với quyền và lợi ích của nông dân. Qua đó, đã làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh như thực hành tiết kiệm, cần cù lao động, phát triển những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

    Là một người nông dân, ông Phùng Rết ở ấp Bờ Đập, xã Viên An huyện Trần Đề luôn nghĩ rằng: Học ở Bác không phải ở những điều cao xa, mà cách tốt nhất để học tập và làm theo Bác là không chấp nhận nghèo khó, phải nỗ lực vươn lên để mở ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả và làm giàu trên mảnh đất quê hương. Từ khi lập gia đình ra riêng chỉ với vài công đất trồng sen không mang lại hiệu quả, ông đã quyết tâm tìm hướng sản xuất mang lại kinh tế cao hơn. Năm 2012, nhận thấy mô hình nuôi bò sữa ở địa phương đang phát triển mạnh, ông đã bỏ sen sang trồng cỏ và nuôi 2 con bò sữa đầu tiên. Đến nay, sau gần 8 năm, ông Phùng Rết đã phát triển mô hình nuôi bò sữa lên gần 40 con, cho thu nhập mỗi tháng hơn 30 triệu đồng, với những kiến thức có được từ những buổi tập huấn khoa học kỹ thuật và từ kinh nghiệm thực tiễn, ông còn chia sẻ với các thành viên trong tổ hợp tác nuôi bò sữa ở địa phương để việc chăn nuôi ngày càng hiệu quả hơn. Ông Phùng Rết chia sẻ: “Tôi suy nghĩ, mình làm nhiều tiền mà không tiết kiệm tính toán làm ăn thì tiền cũng sẽ hết. Do đó, tôi luôn cố gắng làm hết sức mình, chi tiêu hợp lý để có kinh tế ngày càng vững hơn nữa”.

    Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên và hội viên nông dân còn tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nhất là tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất mô hình theo chuỗi liên kết… phát triển chi hội, tổ hội nghề nghiệp, đến nay có 9 chi hội và hơn 40 tổ hội nghề nghiệp, có trên 648 hội viên tham gia, góp phần cùng với chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng. Thực hiện có hiệu quả hoạt động phong trào nông dân, gắn với việc học tập chuyên đề năm 2019, các cấp hội tập trung chăm lo cho cán bộ, hội viên nông dân, nhất là phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Kết quả trong năm 2019, Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào nông dân giai đoạn 2014-2020, có trên 250 đại biểu tham dự, được UBND tỉnh tặng 150 bằng khen, Hội Nông dân tỉnh tặng 50 giấy khen cho hộ tiêu biểu.

    Đồng chí Nhâm Hoàng Sở - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cù Lao Dung nhận xét: “Thực hiện làm theo gương Bác, nhiều nông dân Cù Lao Dung luôn say mê tìm tòi học hỏi để vươn lên phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhiều hộ chí thú làm ăn, nỗ lực thoát nghèo, làm giàu chính đáng bằng trên mảnh đất cù lao. Từ đó xuất hiện ngày càng nhiều nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương”.

    Chuyên đề năm 2020 của Hội Nông dân tỉnh là “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có hiệu quả, hội Nông dân các cấp còn quán triệt ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến từng cán bộ, hội viên, nông dân với phương châm “học đi đôi với hành, nói đi đôi với làm”, nhằm khơi dậy tinh thần tự giác học tập và làm theo Bác, từ việc đơn giản, thiết thực trong cuộc sống hằng ngày. Bắt đầu từ việc rèn luyện phẩm chất đạo đức thực hành tiết kiệm trong chi tiêu, đoàn kết giúp đỡ nhau trong sản xuất để cùng nhau vươn lên, qua đó tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong hệ thống Hội. Cụ thể như mô hình “Liên kết chăn nuôi bò và tiêu thụ sản phẩm” tại xã An Thạnh Nhì, huyện Cù Lao Dung; theo đó, các thành viên luôn tương trợ giúp nhau cùng phát triển, sử dụng nguồn vốn vay từ quỹ hỗ trợ nông dân đúng mục đích, tiết kiệm để ngày càng khấm khá và vươn lên.

    Chị Lê Thị Thơ - xã An Thạnh Nhì, huyện Cù Lao Dung phấn khởi cho biết: “Trước đây gia đình tôi rất khó khăn, nhưng nhờ mạnh dạn tham gia vào tổ hợp tác chăn nuôi bò với quỹ hỗ trợ nông dân cho vay vốn 100 triệu đồng, tôi dùng số tiền này để phát triển đàn bò lên, dành dụm tích lũy thêm, nhờ vậy mà hiện nay cuộc sống gia đình tôi đã ổn định hơn rất nhiều”.


Chị Lê Thị Thơ với mô hình “liên kết chăn nuôi bò và tiêu thụ sản phẩm" tại xã An Thạnh Nhì, huyện Cù Lao Dung. Ảnh Đoan Trang

    Bên cạnh đó, nhiều phong trào, cách làm hay trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác được nâng cao về số lượng lẫn chất lượng. Các cấp hội tích cực tổ chức các hoạt động dạy nghề, hỗ trợ nông dân, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời vận động hội viên nông dân tích cực tham gia vào phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương bằng những hành động cụ thể như: Hiến đất làm đường, xây cầu, trồng cây xanh, góp vốn đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi gồm trường học, trạm xá, trạm điện, cầu cống, đường giao thông nông thôn.

    Ông Khưu Hoàng Minh - thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề cho biết: “Khi địa phương vận động hiến đất làm đường, tôi không có suy nghĩ gì nhiều, mà đồng ý ngay. Vì tôi nghĩ, hiến đất thì con em mới có được con đường đi học được thuận tiện dễ dàng và tôi thấy vui trong lòng vì mình đã làm được việc đầy ý nghĩa này”.

    Bằng những việc làm cụ thể, đã có rất nhiều tấm gương nông dân điển hình trong cuộc sống đời thường về học tập và làm theo Bác. Việc tăng cường đổi mới hình thức, phương thức tổ chức sinh hoạt ở các cấp Hội Nông dân, nhất là sinh hoạt nội dung chuyên đề năm 2020 phải thật sự đi vào lòng của cán bộ, hội viên, nông dân. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Hội nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc nghiên cứu, học tập làm chuyển biến nhận thức trong cán bộ, hội viên, nông dân, tạo nên phong trào học tập và làm theo Bác lan tỏa sâu rộng trong toàn tỉnh.

Đoan Trang



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 94
  • Hôm nay: 358
  • Trong tuần: 70,785
  • Tất cả: 11,802,792